Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà đủ tuổi hưu được hưởng các chế độ gì? Hồ sơ thủ tục ra sao? Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà chưa đủ tuổi hưu sẽ được hưởng các chế độ gì? Hồ sơ thủ tục ra sao?Bài viết này sẽ trả lời các câu hỏi trên.
Bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc đối với trường hợp hưu trí
Điều kiện hưởng chế độ hưu trí
Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên và thuộc một trong những điều kiện sau đây:
- Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;
- Nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi và có 15 năm làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc nơi có phụ cấp khu vực với hệ số > 0,7;
- Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi khả năng lao động bị suy giảm > 61%;
- Không kể tuổi đời, bị suy giảm khả năng lao động > 61%, có đủ 15 năm làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- Nam hoặc nữ đủ 50 đến dưới 55 tuổi, trong đó có ít nhất 15 năm làm công việc khai thác than hầm lò;
- Không kể tuổi đời đối với trường hợp người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn nghề nghiệp.
Mức hưởng bảo hiểm xã hội hưu trí
- Mức hưởng lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng lương hưu x Lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội.
- Tỷ lệ hưởng lương hưu: 15 năm đầu bằng 45% và cộng thêm mỗi năm kế tiếp bằng 2% đối với nam hoặc 3% đối với nữ.
*Lưu ý: Mức hưởng lương hưu tối đa là bằng 75%. Mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định do suy giảm khả năng lao động thì trừ 1% tỷ lệ.
>>Click ngay: Hỏi – Đáp: Đóng Bảo Hiểm Xã Hội 6 Tháng Trước Khi Sinh Có Được Hưởng Quyền Lợi? Lao động nữ cần nắm tránh mất quyền lợi khi sinh con.
Cách tính bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội
Thời gian tham gia bảo hiểm xã hội theo hệ số lương do nhà nước quy định:
- 5 năm cuối, nếu tham gia bảo hiểm xã hội từ trước năm 1995;
- 6 năm cuối, nếu tham gia bảo hiểm xã hội từ trước năm 2001;
- 8 năm cuối, nếu tham gia bảo hiểm xã hội từ trước năm 2007;
- 10 năm cuối, nếu tham gia bảo hiểm xã hội từ năm 2007 trở đi;
- Thời gian đóng bảo hiểm xã hội không theo bảng lương nhà nước: bình quân toàn bộ thời gian.
Có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo lương nhà nước và không theo lương nhà nước, được tính như sau: tính bình quân chung của các thời gian, trong đó thời gian tham gia theo tiền lương nhà nước thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.
Quyền lợi khác của người hưởng lương hưu
- Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí do quỹ bảo hiểm xã hội chi;
- Được cấp thẻ atm miễn phí khi lập thủ tục hưu trí;
- ược hưởng chế độ tuất khi chết;
- Nhận lương hưu hằng tháng tại nơi cư trú. Lương hưu được điều chỉnh theo từng thời kỳ;
- Mức lương hưu thấp nhất được tính bằng mức lương tối thiểu chung;
- Được nhận trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu nếu đóng bảo hiểm xã hội từ năm 26 trở đi đối với nữ và năm 31 trở đi đối với nam: Kể từ năm thứ 31 trở đi đối với nam và năm thứ 26 trở đi đối với nữ, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng nửa tháng mức bình quân tiền công, tiền lương tham gia bảo hiểm xã hội.
Bảo hiểm xã hội một lần khi nghỉ việc
Điều kiện hưởng như sau:
Đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, sau khi nghỉ việc chưa đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội sau 1 năm nghỉ việc.
Đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội và đủ điều kiện để hưởng lương hưu; nhưng ra nước ngoài định cư hoặc người bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm sau: Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc; Các bệnh, tật ngoài các bệnh trên có mức suy giảm khả năng lao động trên 61% hoặc mức độ khuyết tật từ 81% trở lên và không tự phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt bản thân, cần phải có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
Mức hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần
Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã tham gia bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm tham gia được tính như sau:
- 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm tham gia trước năm 2014;
- 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Giả sử người lao động tham gia đóng bảo hiểm từ năm 2010- 2018 thì có thể tính như sau:
Tổng số tiền bảo hiểm xã hội một lần được nhận bằng bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội x 4 năm (trước 2014) x hệ số 1,5 + bình quân tiền lương tham gia bảo hiểm xã hội x 5 năm (sau 2014) x hệ số 2.
Được lĩnh trợ cấp ngay không chờ sau 12 tháng đối với các trường hợp sau:Suy giảm khả năng lao động trên 61%; hết tuổi lao động; sang nước ngoài định cư hợp pháp.
Chờ lĩnh trợ cấp sau 12 tháng nếu sau 1 năm nghỉ việc mà không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội.
Các tháng lẻ đóng bảo hiểm xã hội (Khi tính lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu hoặc bảo hiểm xã hội một lần):
- Dưới 3 tháng không được tính;
- Từ đủ 3 tháng đến dưới 7 tháng tính nửa năm tham gia;
- Từ đủ 7 tháng đến dưới 1 năm thì tính 1 năm tham gia.
>>Xem ngay: Không đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên có bị phạt hay không? Người lao động cần nắm để lấy quyền lợi đầy đủ cho mình nhất.
Hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội
Đối với người đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
- Sổ bảo hiểm xã hội đã tham gia;
- Quyết định nghỉ việc hưởng theo chế độ hưu trí;
- Đối với trường hợp hưởng chế độ hưu trí khi suy giảm khả năng lao động thì phải có Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa; đối với người hưởng chế độ hưu trí bị nhiễm HIV/AIDS phải có thêm giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn nghề nghiệp của cơ quan có thẩm quyền cấp.
Đối với người tham gia Bảo hiểm tự nguyện, người bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và người tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
- Sổ bảo hiểm xã hội đã tham gia;
- Đơn đề nghị hưởng chế độ hưu trí theo mẫu số 12-HSB hoặc Giấy chứng nhận chờ hưởng chế độ hưu trí đối với người lao động nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện về tuổi đời;
- Đối với người chấp hành xong hình phạt tù đối với trường hợp không được hưởng án treo thì phải có thêm giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù (bản sao);
- Đối với trường hợp hưởng chế độ hưu trí do bị suy giảm khả năng lao động thì ngoài các giấy tờ nêu trên phải có thêm biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của cơ quan có thẩm quyền.
Hồ sơ giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần
- Sổ bảo hiểm xã hội;
- Đơn đề nghị hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội 1 lần theo mẫu 14-HSB;
- Giấy CMND, sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú để đối chiếu;
Giấy tờ cho các trường hợp sau:
- Đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đủ 20 năm tham gia bảo hiểm xã hội: Quyết định nghỉ việc hoặc quyết định thôi việc hoặc văn bản chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng lao động đã hết hạn;
- Trường hợp phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu: Quyết định đối với trường hợp phục viên hay xuất ngũ;
- Trường hợp suy giảm khả năng lao động trên 61% mà chưa đủ 20 năm tham gia bảo hiểm xã hội: Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của cơ quan có thẩm quyền;
- Đối với người ra nước ngoài định cư: Bản dịch sang Tiếng Việt được công chứng của Bản sao Bản thị thực nhập cảnh được lưu trú dài hạn hoặc thẻ thường trú hoặc Giấy lưu trú dài hạn do cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấp;
- Đối với người lao động mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế thì phải có trích sao hồ sơ bệnh án;
- Sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội 1 lần mà chưa đủ 20 năm tham gia bảo hiểm xã hội và người đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (kể cả bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội): Đơn đề nghị được hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo mẫu số 14-HSB;
- Đối với người chấp hành xong án phạt tù trong trường hợp không được hưởng án treo thì có thêm Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù bản sao.
Trên đây là tất tần tật các thông tin về chế độ hưởng bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc và hồ sơ thủ tục. Hy vọng sẽ giúp ích cho bạn đọc.